BÀI TUYÊN TRUYỀN NHÂN DÂN KHÔNG TÀNG TRỮ SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ VÀ PHÁO
Trong những năm qua, việc sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ, pháo và đồ chơi nguy hiểm là những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Đây chính là nguồn công cụ nguy hiểm trong các hoạt động phạm tội; các đối tượng lợi dụng, sử dụng trong các vụ án gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cướp, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản. Đồng thời cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ việc lớn đến tài sản, an toàn tính mạng của nhân dân. cháy nổ, làm thiệt hại lớn.
Các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc nghiêm trọng và truy tố xét xử theo quy định của pháp luật. Để chấp hành tốt các quy định về quản lý vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ, pháo và đồ chơi nguy hiểm, thì mỗi người dân phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về công cụ nguy hiểm này:
+ Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp như: dao găm, kiếm, giáo mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.
+ Các loại đồ chơi nguy hiểm thuộc danh mục cấm gồm: các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng trường, súng tiểu liên, súng ngắn, súng nén hơi, nén lò xo bắn đạn nhựa hoặc đạn các loại, súng bắn phun nước, bắn phát quang hoặc bắn gây nổ; các loại bật lửa có hình dáng quả lựu đạn hoặc hình dáng súng ngắn; các loại kiếm, mác, lưỡi lê, dao găm, cung, nỏ là bằng gỗ, tre, nhựa, giấy nén
+ Pháo nổ là loại sản phẩm bên trong có chứa thuốc pháo và khi có yếu tố ngoại lực tác động thì gây tiếng nổ. Sử dụng trái phép pháo nổ là hành vi: đốt, ném, đập, phóng, phụt hoặc dùng bất cứ hình thức nào khác gây nổ pháo.
- Về mặt pháp luật, những nội dung trên được quy định tại: Luật số 14/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc Hội quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo. Việc xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Đây là cơ sở nhằm tuyên truyền, vận động người dân giao nộp VK,VLN, CCHT và pháo, đồng thời là cơ sở xử lý các trường hợp vi phạm. Nếu tính chất, mực độ nghiêm trọng có thể sẽ bị xử lý về trách nhiệm hình sự.cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép. Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép
Phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép đồ chơi nguy hiểm.
Phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo trái phép.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm.
Tuyệt đối không sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm. Tuyên truyền, vận động người thân và mọi người xung quanh chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quản lý vũ khí thô sơ, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm. Nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm các quy định nêu trên mỗi người hãy có trách nhiệm phản ánh, tố giác đến cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ, pháo và đồ chơi nguy hiểm là góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư./.