TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 20 NĂM NGÀY THÀNH LẬP SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG PHÚ THỌ (24/12/2004 - 24/12/2024)
Ngày 24/12/2004, Sở Bưu chính - Viễn thông, nay là Sở Thông tin và Truyền thông được thành lập. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông; cùng với sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ đã có bước trưởng thành lớn mạnh, hoàn thành tốt và xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao, từng bước khẳng định rõ nét vai trò, vị trí của ngành, góp phần tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
1. Giai đoạn từ năm 2004 - 2007
Giai đoạn từ năm 2004 - 2007, đất nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, sự bùng nổ công nghệ thông tin, công nghệ cao và Internet đã đặt ra những yêu cầu mới về vấn đề quản lý thông tin. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định thống nhất quản lý lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin từ Trung ương tới địa phương. Năm 2002, Bộ Bưu chính - Viễn Thông được thành lập. Ngày 24/12/2004, Sở Bưu chính - Viễn thông Phú Thọ được thành lập theo Quyết định số 4020/2004/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Sở có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử, Internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện và cơ sở hạ tầng thông tin; quản lý dịch vụ công về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.
Bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ mới trong bối cảnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa được bổ sung, hoàn thiện; cơ sở vật chất thiếu thốn, song xác định rõ vai trò, vị trí của mình, Sở đã tập trung tham mưu, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phục vụ cho công tác phát triển ngành; đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin nhằm đảm bảo thông tin liên lạc và phục vụ nhu cầu xã hội.
2. Giai đoạn từ năm 2008 - 2014
Trước tốc độ phát triển của ngành viễn thông, công nghệ thông tin toàn cầu, yêu cầu về quản lý đối với lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Ngày 27/7/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập trên cơ sở Bộ Bưu chính Viễn thông sáp nhập thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa, Thông tin (cũ). Ở tỉnh Phú Thọ, Sở Thông tin và Truyền thông chính thức được thành lập theo Quyết định số 1024/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Thọ. Sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên 5 lĩnh vực: Báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin. Năm 2011, bổ sung thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và an toàn an ninh thông tin. Đến năm 2013 tiếp tục bổ sung thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở, an toàn, an ninh thông tin.
Với chức năng, nhiệm vụ trên, ngành Thông tin và Truyền thông được xác định là ngành quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; có những lĩnh vực nhạy cảm, quan trọng, ảnh hưởng đến tư tưởng, chính trị, an ninh và ổn định xã hội đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ; có những lĩnh vực dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao. Ngành Thông tin và Truyền thông trở thành một trong những ngành động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Với phương châm “phát triển đi đôi với quản lý tốt”, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực, chủ động xây dựng, trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều Đề án, Quy hoạch phát triển ngành; đồng thời, tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm gắn với địa phương, cơ sở để tổ chức thực hiện, từng bước đưa các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu phát triển. Hạ tầng thông tin - truyền thông từng bước được đầu tư hiện đại và đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin của tổ chức, công dân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước được triển khai mạnh mẽ, góp phần từng bước minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Vai trò của báo chí và các thiết chế thông tin từ tỉnh đến cơ sở phát huy hiệu quả, trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Giai đoạn này, toàn ngành đã phối hợp cùng các ngành, các doanh nghiệp thực hiện 14 dự án trọng điểm, trên 40 chương trình, đề án, dự án thuộc các lĩnh vực của ngành.
Giai đoạn từ năm 2015 đến nay
Trên cơ sở bài học kinh nghiệm sau 30 năm đổi mới đất nước giai đoạn 1986 - 2016, Đảng ta đã xác định, để phát triển bền vững và hội nhập quốc tế thì phải đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, coi đây là nhiệm vụ then chốt của cả hệ thống chính trị. Ngày 29/7/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 11/TT-BTTTT Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Thông tin và Truyền thông thuộc UBND cấp tỉnh và Phòng Văn hóa và Thông tin thuộc UBND cấp huyện; UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 20/6/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Thông tin và Truyền thông. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí; xuất bản, in và phát hành; phát thanh, truyền hình; thông tin điện tử; thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghiệp công nghệ thông tin; an toàn thông tin mạng; giao dịch điện tử; chuyển đổi số tại địa phương. Từ đây, ngành Thông tin và Truyền thông đứng trước sứ mệnh lịch sử quan trọng là tham mưu triển khai chuyển đổi số Quốc gia, trở thành ngành đi đầu, tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, giai đoạn này, Sở Thông tin và Truyền thông đã kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sở đã tích cực tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quan trọng về công nghệ thông tin, Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số; đồng thời, chỉ đạo tốt công quản lý quy hoạch hạ tầng viễn thông và kế hoạch về phát triển hạ tầng số nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Phú Thọ trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 1900 vị trí trạm BTS được xây dựng, đảm bảo các thôn/bản được phủ sóng băng rộng di động đạt trên 98%, Internet băng rộng cố định đạt 100%. Năm 2023, Phú Thọ được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá xếp thứ 6/63 tỉnh thành về Hạ tầng số theo Bộ Chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI.
* Chính quyền số: Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, triển khai, thực hiện nhiệm vụ trong các cơ quan, đơn vị, tạo lập cơ sở dữ liệu số đã đổi mới hoàn toàn hoạt động của bộ máy chính quyền, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí. Mọi hoạt động của chính quyền đang hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Các văn bản giữa các cơ quan hành chính nhà nước đều được gửi, nhận trên mạng thay cho phương thức truyên thống; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối liên thông 4 cấp. Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung và cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành kết nối đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã, liên thông với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đặc biệt, Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã đi vào hoạt động đã tạo bước đột phá về cải cách hành chính của tỉnh. Thông qua Hệ thống Một cửa điện tử tích hợp Cổng Dịch vụ công trực tuyến, quy trình giải quyết thủ tục hành chính được đơn giản, thuận tiện, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cá nhân, tổ chức. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo hình thức trực tuyến đạt trên 81,7%; trong đó, dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt trên 43,2%.
* Kinh tế số: Việc thúc đẩy phát triển kinh tế số đạt được nhiều kết quả tích cực. Để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân, Sở đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số. Hằng năm, tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn; nổi bật là các hội nghị, hội thảo, tọa đàm kết nối chuyển đổi số doanh nghiệp vào ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10, qua đó, nâng cao kiến thức công nghệ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hoạt động, nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh… Đến nay, 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử, từng bước triển khai hợp đồng điện tử. Tỷ trọng kinh tế số đạt 12,5%, đứng thứ 10 cả nước. Các doanh nghiệp bưu chính có sự chuyển dịch mạnh mẽ, từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số, dịch vụ bưu chính công ích. Thị phần bưu chính, chuyển phát của các doanh nghiệp tăng từ 30 - 40%; dịch vụ công ích tăng 200% so với giai đoạn 2010 - 2015...
* Xã hội số: Tình hình xã hội số đã và đang tạo ra thay đổi căn bản về sự tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp; giữa các tầng lớp Nhân dân. Để có được sự chuyển biến tích cực này, từ năm 2022, Sở đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số các cấp; thành lập trên 2.500 Tổ công nghệ số cộng đồng với gần 7.500 thành viên tại 100% các xã, phường, thị trấn, qua đó, tạo thành sức mạnh tổng hợp, cánh tay nối dài, đưa công nghệ thông tin đến từng người dân. Hiện nay, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh có tài khoản thanh toán điện chiếm 74,3%; hơn 1,3 triệu công dân trên địa bàn tỉnh có thẻ Căn cước, căn cước công dân; gần 980.000 người có tài khoản định danh điện tử trên VneID. Nhiều ứng dụng chuyên dùng kết nối liên thông được sử dụng rộng rãi, phục vụ người dân khám, chữa bệnh; kê khai và nộp thuế, khai báo hải quan, kho bạc, bảo hiểm điện tử, đăng ký kinh doanh qua mạng, thanh toán không dùng tiền mặt... Người dân đang dần hình thành thói quen, kỹ năng sử dụng dịch vụ trên môi trường số.
* Lĩnh vực thông tin, báo chí, xuất bản
Lĩnh vực quản lý nhà nước về Thông tin - Báo chí - Xuất bản được tăng cường. Các quy hoạch, kế hoạch, đề án, quy chế, quy định… trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, thông tin điện tử, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại được ban hành tạo hành lang pháp lý cho hệ thống báo chí, truyền thông của tỉnh phát triển. Tỷ lệ tin, bài tích cực trên báo chí và mạng xã hội đạt trên 95%, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội.
Hệ thống báo chí, truyền thông của tỉnh thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ; các cơ quan báo chí của tỉnh đều ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất và phân phối nội dung theo hướng toàn soạn hội tụ, đa nền tảng, đa phương tiện. Thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin chính thống; đấu tranh, phản bác, xử lý thông tin xấu độc; đảm bảo môi trường thông tin lành mạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo vận hành hiệu quả Cổng Thông tin điện tử tỉnh, thường xuyên đăng tải hoạt động chỉ đạo, điều hành của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các chính sách vừa ban hành; mở các chuyên trang, đáp ứng nhu cầu thông tin người dân, doanh nghiệp. Công tác thông tin đối ngoại được chú trọng, góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh đến bạn bè trong khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư của tỉnh.
Đến nay, 100% các sở, ngành, các huyện, thành, thị đều có cổng/trang TTĐT; 85% xã, phường, thị trấn sử dụng Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông được quản lý qua Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh. Bình quân hàng năm các cơ quan báo chí của tỉnh; hệ thống cổng, trang thông tin điện tử các cơ quan nhà nước; hằng năm, hệ thống đài truyền thanh cơ sở đã sản xuất, đăng tải gần 100.000 lượt tin, bài, chương trình tuyên truyền về tỉnh và lan tỏa trên mạng xã hội.
Hoạt động xuất bản, in, phát hành đảm bảo đa dạng hóa về hình thức, duy trì mức tăng trưởng ổn định cả về quy mô, chất lượng sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 40 cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức đảng, đoàn thể ở địa phương tham gia xuất bản các ấn phẩm; có 02 cơ sở phát hành; 09 cơ sở được cấp giấy phép hoạt động in; 54 cơ sở được xác nhận đăng ký hoạt động in. Các hoạt động xuất bản, in, phát hành trên địa bàn tỉnh cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật, hoạt động ổn định.
Những nỗ lực của ngành Thông tin và Truyền thông đã góp phần đưa tỉnh Phú Thọ “bứt phá” trong công tác xây dựng chính quyền số. Đến nay, các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, cải cách hành chính PAR Index, mức độ hài lòng về sự phục vụ hành chính SIPAS của Phú Thọ đều nằm trong TOP 10 cả nước; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI xếp thứ 24, chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương PII xếp thứ 20. Về hiện trạng phát triển kinh tế số, tỉnh Phú Thọ đứng thứ 11 cả nước, đứng thứ 3 vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện tổng giá trị ước đạt 8,6 tỷ USD.
*** Chặng đường 20 năm qua đã đánh dấu sự lớn mạnh và phát triển vượt bậc của Sở Thông tin và Truyền thông. Với những thành tích đạt được, Sở Thông tin và Truyền thông đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2014, hạng Nhì năm 2023; được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua và Bằng khen; được UBND tỉnh tặng Kỷ niệm chương Hùng Vương và nhiều Bằng khen; liên tục trong nhiều năm được Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Cờ thi đua, Bằng khen cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Trong giai đoạn tiếp theo, với sứ mệnh của mình, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành thông tin và truyền thông Phú Thọ sẽ tiếp tục đoàn kết, đổi mới sáng tạo trong công tác tham mưu; quyết liệt triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà đã đặt ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sớm đưa Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Sở Thông tin và Truyền thông